Banner 10
23:00
Chủ nhật
22.12.2024

Ban lãnh đạo Viện dự Diễn đàn luật học mùa thu lần thứ tư (4th VALF) – Pháp luật trong bối cảnh phát triển bền vững

Chia sẻ:

Trong 2 ngày 25.10 và 26.10, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Diễn đàn Luật học Mùa Thu năm 2024 với chủ đề “Pháp luật trong bối cảnh phát triển bền vững”, quy tụ các chuyên gia uy tín của giới luật học.

Về phía Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, GS.TS. Phan Trung Lý, GS.TS. Lê Minh Tâm, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị dự và có bài tham luận quan trọng tại Diễn đàn.

2510 Gs Ly

GS.TS. Phan Trung Lý (Viện trưởng Viện nghiên cứu Pháp luật và Xã hội) phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Trịnh Tiến Việt, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Diễn đàn Luật học Mùa Thu là sự kiện khoa học thường niên do Trường Đại học Luật sáng lập từ năm 2021; đã trở thành diễn đàn học thuật uy tín của giới luật học và các lĩnh vực khoa học liên quan. Diễn đàn nhằm thảo luận những vấn đề mới, những phát triển mới của luật học thế giới và Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử phát triển của khái niệm phát triển bền vững, GS.TS Lê Minh Tâm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội nhìn nhận, trong hơn 70 năm qua, khái niệm này đã mở rộng dần từ hẹp đến rộng. Đến năm 1992 xuất hiện định nghĩa phát triển bền vững gồm 3 trụ cột chính: kinh tế, xã hội và môi trường, được đưa ra và sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.

2510 Gs Tam

GS.TS. Lê Minh Tâm phát biểu tại Diễn đàn

Tuy nhiên, GS.TS Lê Minh Tâm đưa ra 3 giả định bổ sung cho khái niệm này. Giả định đầu tiên cho rằng việc chỉ xác định 3 trụ cột như trên là đúng nhưng chưa đủ. Pháp luật đóng vai trò quan trọng trong mọi quá trình phát triển, vậy liệu có nên xem pháp luật như một trụ cột chính? Và ngoài pháp luật, còn yếu tố nào khác đáng được cân nhắc như một trụ cột mới?

Giả định thứ hai là về vai trò điều chỉnh của pháp luật. Chúng ta đã có nhiều định nghĩa và quan niệm về pháp luật, bao gồm tính minh bạch, tính cụ thể và sức mạnh được đảm bảo bởi Nhà nước. Vậy trong bối cảnh phát triển mới, pháp luật có đủ khả năng để điều chỉnh những mối quan hệ mới nảy sinh trong xã hội hay không?

Giả định thứ ba xem xét các vấn đề mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, tiền điện tử,… Đây là những yếu tố có thể tạo ra giá trị mới, nhưng chúng cũng làm phát sinh các mối quan hệ mới mà pháp luật cần thích ứng. Theo GS.TS Lê Minh Tâm, nếu chúng ta vẫn tiếp cận pháp luật theo cách truyền thống thì sẽ khó đáp ứng được các thách thức từ những lĩnh vực này.

“Trong hơn 70 năm phát triển, theo tôi khái niệm phát triển bền vững vẫn còn hẹp. Tôi đề nghị cần phải mở rộng khái niệm về phát triển bền vững và coi hệ thống pháp luật là 1 trụ cột chính của phát triển bền vững. Nếu có thể mở rộng hơn nữa, các vấn đề về văn hóa và an ninh cũng nên trở thành các trụ cột quan trọng”, GS.TS Lê Minh Tâm nhấn mạnh.

2510 Gs Nghi

GS.TS. Phan Trung Lý và PGS.TS. Phạm Hữu Nghị tham dự Diễn đàn

GS.TS Phan Trung Lý chia sẻ, tại nhiều nước hiện nay, nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển xanh là nguyên tắc của luật pháp. “Nếu pháp luật Nhà nước của chúng ta không thay đổi cách làm, không thay đổi cách điều chỉnh, không thay đổi những yêu cầu của nó thì chúng ta sẽ bị lạc hậu. Tôi nghĩ pháp luật phải tăng tính chủ động, tính dự báo, để ngăn ngừa những hệ quả, nếu không chúng ta chỉ đi giải quyết phần ngọn”, GS.TS Phan Trung Lý nêu quan điểm.

GS.TS Phan Trung Lý bày tỏ kỳ vọng sẽ tới thời điểm phát triển bền vững trở thành một ngành luật, một lĩnh vực với tính chất bao quát hơn, bao phủ hơn và đa ngành hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan