Chiều 2/8/2024, Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoại động giám sát của Quốc hội và HĐND. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm – Trưởng Ban soạn thảo chủ trì cuộc làm việc.
Cùng dự có: Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo; Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên, cùng các thành viên Ban soạn thảo.
Về phía tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Viết Thanh; Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, HĐND các huyện, thị xã, thành phố.
Về phía Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, GS.TS. Phan Trung Lý – Viện trưởng tham dự Hội thảo và có bài phát biểu quan trọng.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Hoàng Hải cho biết, từ khi có Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND đã có nhiều đổi mới; chất lượng giám sát được nâng lên.
Qua giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật, nghị quyết HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cấp, các ngành liên quan đã thực hiện nghiêm túc các kiến nghị. Thường trực HĐND tỉnh đã thể hiện sự đồng hành với UBND tỉnh trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Nhờ vậy, tình hình kinh tế – xã hội ở địa phương có bước phát triển khá, quốc phòng – an ninh giữ vững, đời sống Nhân dân ổn định. Vai trò của đại biểu HĐN tỉnh được nâng lên, cử tri và Nhân dân đánh giá cao hoạt động của HĐND tỉnh thời gian qua.
Tuy nhiên, hoạt động của HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, hiệu quả giám sát các văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới để phát hiện dấu hiệu trái pháp luật của Thường trực HĐND, các Ban từ tỉnh đến cơ sở chưa cao. Thực tế việc phát hiện văn bản trái pháp luật chủ yếu qua kiểm toán, qua kiểm tra của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp.
Bên cạnh đó, một số kiến nghị của Đoàn giám sát chưa được các đơn vị giám sát thực hiện nghiêm túc và kịp thời, chưa có chế tài xử lý đối với cơ quan, đơn vị và cá nhân không chấp hành nghiêm các kiến nghị giám sát của HĐND tỉnh dẫn đến làm giảm hiệu lực sau giám sát; việc theo dõi, đôn đốc kiến nghị giám sát chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên.
Để phát huy vai trò, hoạt động của HĐND trong thời gian tới, HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị có điều khoản quy định về chế tài, trách nhiệm và hình thức xử lý cụ thể đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị sau giám sát để hoạt động giám sát của HĐND mang lại hiệu quả thiết thực; nghiên cứu quy định đưa việc thực hiện hiệu quả cam kết, lời hứa của UBND tỉnh và thủ trưởng các đơn vị trong chất vấn, trong giám sát của HĐND là tiêu chí đánh giá cán bộ trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu.
Đối với hoạt động giám sát chuyên đề, cần quy định rõ về quy trình, thủ tục thực hiện, mẫu hoá hồ sơ, tài liệu để việc giám sát bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ; trình tự, thủ tục xây dựng khảo sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh.
HĐND tỉnh cũng kiến nghị bổ sung chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND; xem xét tăng cường số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách có chuyên môn sâu phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của từng Ban HĐND tỉnh.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Tại cuộc làm việc, các thành viên Ban soạn thảo đã trao đổi, tìm hiểu thực tiễn việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động giám sát của HĐND các cấp tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; đồng thời, lấy kiến nghị của HĐND tỉnh liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, trong bối cảnh ngày càng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao quyền cho địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực hoạt động giám sát, HĐND các cấp đã phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thông qua các hoạt động giám sát thiết thực, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, tạo chuyển biến tích cực trong hoàn thiện thể chế pháp luật, thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế – xã hội của địa phương; kịp thời giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên nhiều mặt, lĩnh vực; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đánh giá cao những kết quả HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt được trong thời gian qua; đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục hoàn thiện báo cáo, trong đó đề xuất sửa đổi các điều, khoản cụ thể trong Luật để khắc phục, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý đã và đang gặp phải trong hoạt động giám sát của HĐND, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và đổi mới hoạt động giám sát của HĐND các cấp.
Các ý kiến tại cuộc làm việc sẽ được Ban soạn thảo tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trình Quốc hội.