Ngày 09/3/2023 tại Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây nguyên, Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam đã tổ chức toạ đàm lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). TS. Trần Anh Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội và GS.TS. Phan Trung Lý – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội đồng chủ trì buổi toạ đàm.
Tham dự và trao đổi tại toạ đàm, có: ông Trần Đức Long – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; TS. Phạm Quang Long – Phó Chủ tịch Hiệp hội; các giảng viên của Học viện Hành chính Quốc gia; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, uỷ ban nhân dân một số huyện, xã của tỉnh Đắk Lắk và một số tỉnh trong khu vực Tây nguyên; tập thể Ban lãnh đạo và các thành viên của Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng (khóa XIII), các nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt, đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung mới cần được đánh giá tác động và phổ biến nội dung rộng rãi trong Nhân dân để lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo luật phù hợp thực tiễn và bảo đảm chất lượng.
Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam tham gia tổ chức toạ đàm, khảo sát thực tiễn lần này tại Khu vực các tỉnh Tây Nguyên nhằm có những đánh giá tác động của Luật một cách chính xác đến đời sống Nhân dân và sự phát triển của xã hội. Đây cũng là hoạt động thể hiện vai trò quan trọng của Hiệp hội trong thực hiện đánh giá tác động chính sách, pháp luật, nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách. Hình thức lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật được tổ chức thông qua tọa đàm thể hiện tính khoa học chuyên sâu.
Nội dung toạ đàm được định hướng về 9 vấn đề mới của Luật cần có sự nghiên cứu và đánh giá tác động một cách thấu đáo; cần có sự khảo sát, lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và mọi tầng lớp Nhân dân một cách đầy đủ, trách nhiệm nhất, đó là: (1) Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. (2) Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. (3) Phát triển quỹ đất. (4) Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. (5) Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai. (6) Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất. (7) Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất. (8) Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực. (9) Về hộ gia đình sử dụng đất.
Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp bằng văn bản và các ý kiến trực tiếp tâm huyết, làm rõ thực tiễn và sâu sắc thêm về một số nội dung như: cải cách hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất, bảo đảm vận hành, quản lý, kết nối, chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương các vấn đề về quản lý đất đai…
Kết quả nghiên cứu thực tiễn và kết quả tổng hợp các ý kiến đánh giá, thực trạng và các góp ý của đại biểu tại toạ đàm sẽ được Hiệp hội báo cáo bằng văn bản gửi Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan của Quốc hội để nghiên cứu, xem xét trong quá trình hoàn thiện, bảo đảm yêu cầu về chất lượng của Dự thảo luật.