Banner 10
05:04
Thứ 2
23.12.2024

Các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai (sửa đổi)

Chia sẻ:
CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
(Tham luận của PGS.TS. Phạm Hữu Nghị tại Hội nghị “Lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam; Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng tổ chức)
1.Khái quát các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong chương V của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)   
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”  trong mục Tình hình đưa ra nhận định: “Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, chính sách, pháp luật đất đai có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực thiễn, từng bước tạo hàng lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện theo hướng tiếp cận tổng hợp, liên ngành và trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; góp phần giải quyết các vấn đề xã hộ, tạo sự bình đảng hơn giũa các chu thể sử dụng đất; bước đầu khắc phục được tình trạng giao đất, cho thuê đất tùy tiện, tràn lan” (Xem trang 1 Nghị quyết 18 nói trên).
Tuy nhiên, Nghị quyết 18-NQ/TW đã chỉ ra yếu kém của chính sách, pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là: “Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ. Chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững”. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là căn cứ giao đất, cho thê đất và thu hồi đất. Do quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, thiếu sót đã dẫn đến: Việc giao đất, cho thuê đất còn nhiều bất cập, sai phạm; việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở môt số nơi còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa đúng pháp luật; làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, gấy thất thoát ngân sách nhà nước. Nghị quyết 18 còn đưa ra nhận định: Chưa có cơ chế hữu hiệu và chưa kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ hoặc không đưa đất vào sử dụng.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng nêu trên được Nghị quyết 18-NQ/TW chỉ ra là: Chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, tạo kẻ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
Tại mục 2, mục IV với tiêu đề  “Hoàn thiện thể chế, chính sách sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” Nghị quyết 18  đề ra giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Đất đai năm  2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Về quy hoach, kế hoạch sử dụng đất, Nghị quyết 18 đã chỉ ra các giải pháp, nhiệm vụ sau đây:
1. Các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau để phát triển.
2. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
3. Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất. Việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, tránh lãng phí trong phân bổ, quản lý và sử dụng đất.
4. Quy định rõ, chặt chẽ việc phê duyệt, ban hành kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Nhà nước bảo đảm đủ nguồn lực để lập quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất.
Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 18/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương; nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất thống nhất; bảo đảm khai thác hiệu quả, tiết kiệm và bền vững tài nguyên, tài sản đất đai phù hợp với chức năng sinh thái của đất, thích ứng với biến đổi khí hậu; khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác quy hoạch hiện nay, Dự thảo Luật đã có các quy định:
 – Sửa đổi nguyên tắc lập quy hoạch tại Điều 60 dự thảo Luật, trong đó: (i) Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đấ các cấp phải tổng hợp, thống nhất, cân đối, phân bổ nhu cầu sử dụng đất của các quy hoạch ngành lĩnh vực có sử dụng đất; (ii) bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng; bảo đảm nhu cầu sử dụng đất của ngành, lĩnh vực, đại phương và phù hợp với tiềm năng đất đai của quốc gia nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả;  (iii) quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lạp ở caaos quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện phải đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế- hội nhanh, bền vững; bảo đảm an ninh, quốc phòng; iv. Được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch sử dụng đất cấp trên phải thể hiện nhu cầu sử dụng đất của cấp dưới; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã; kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; v.Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên. Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất; Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả; khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;vi. Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả; khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;vii Bảo đảm tính liên tục, kế thừa, ổn định, bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng kinh tế – xã hội; phân bổ nguồn lực đất đai đảm bảo cân đối hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, giữa các thế hệ; phù hợp với điều kiện, tiềm năng đất đai; viiiDân chủ, công khai, minh bạch.
 – Quy định hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là hệ thống đồng bộ, thống nhất được thiết lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh tại Điều 61 Dự thảo Luật.
Bổ sung quy định về tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất tại Điều 62 (30 đến 50 năm; 20 đến 30 năm).  Tại Điều 62 quy định về: Thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:
– Thời kỳ quy hoạch sử dụng đất các cấp là 10 năm. Tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất quốc gia, tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất an ninh là từ 30 năm đến 50 năm; tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là từ 20 năm đến 30 năm.
– Thời kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh và thời kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và kế hoạch sử dụng đất an ninh là 05 năm; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm.
– Đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình tổ chức lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các Điều 62, 63, 64 dự thảo Luật nhằm hiện đại hóa và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phục vụ kịp thời cho phát triển kinh tế – xã hội; nâng cao chất lượng và bảo vệ đất canh tác nông nghiệp. Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải xác định không gian, ranh giới, vị trí, diện tích các vùng đất theo định hướng giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo các khu chức năng đã được thể hiện trong quy hoạch đô thị, quy hoạch chung xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu và quy hoạch nông thôn theo kỳ quy hoạch sử dụng đất.
– Quy định tại Điều 71 dự thảo Luật việc rà soát quy hoạch sử dụng đất được thực hiện theo định kỳ 05 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn. Đối với những dự án đầu tư công mà nếu quá 05 năm kể từ năm được đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà chưa thực hiện thì người sử dụng đất trong vùng quy hoạch được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật này nhưng không được xây dựng công trình có niên hạn sử dụng trên 20 năm.
– Bổ sung, hoàn thiện các quy định tại khoản 3 khoản 4 Điều 74 về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất đối trong các khu vực quy hoạch; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh trong rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quy định tại Điều 76 giải quyết chuyển tiếp các vấn đề phát sinh về quy hoạch khi Luật có hiệu lực.
2. Ý kiến đóng góp cho các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong chương V Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
2.1. Quy định về các nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 60 Dự thảo:
Vì tầm quan trọng của việc bảo đảm  “dân chủ, công khai, minh bạch” trong lập quy hoạch sử dụng đất, tôi đề nghị đưa nguyên tắc này lên vị trí số 1.
2.2. Về Điều 63 Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia
Theo tôi, Tại khoản 1 Điều 63 Dự thảo cần có quy định:
Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch. Nếu có quy định này, sẽ tạo ra cơ sở khắc phục được tình trạng các quy hoạch sử dụng đất quốc gia bị phê duyệt chậm như trong thời gian vừa qua.
Tôi rất tâm đắc với quy định tại điểm C khoản 2 Điều 63 Dự thảo: c) Khoanh định, bố trí không gian sử dụng đất theo các khu vực gồm khu vực sử dụng đất cần bảo vệ nghiêm ngặt việc chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất. Đây là điểm mới so với Điều 38 Luật Đất đai năm 2013.
Theo tôi, không nên làm quy hoạch sử dụng đất theo ham muốn, vì lợi ích của của một nhóm người nào đó, trên đất nước ta cần có những khu vực đất cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực cần giữ ổn định. Không nên xới tung đất nước này lên.
2.3. Về Điều 64: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong Dự thảo, tôi rất chú ý đến việc xác định chỉ tiêu các loại đất đã đưực phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia và các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất cấp tỉnh trong Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Quy định về vấn đề này được đề cập trong điểm b khoản 2 Điều 64:
b) Xác định chỉ tiêu các loại đất đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia và diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất cấp tỉnh, gồm: đất chăn nuôi tập trung, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối; đất xây dựng trụ sở cơ quan; đất xây dựng cơ sở ngoại giao; đất cụm công nghiệp; đất thương mại – dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất di tích lịch sử – văn hóa; đất danh lam thắng cảnh; đất phát triển hạ tầng cấp tỉnh (trong đó xác định chỉ tiêu sử dụng đất xây dựng cơ sở văn hóa, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở thể dục thể thao, đất giao thông, đất thủy lợi, đất công trình năng lượng, đất công trình bưu chính viễn thông); đất tôn giáo; đất làm nghĩa trang, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; đất bãi thải, xử lý chất thải;
So với quy định tại Điều 39 Luật Đất đai năm 2013 thì việc xác định chỉ tiêu các loại đất đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia và diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất cấp tỉnh là có tính mới và khá cụ thể.
2.4. Về Điều 66 Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh. 
Để bảo đảm tính minh bạch của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh, theo tôi, cần đưa vào Điều 66 này định nghĩa đất quốc phòng, đất an ninh bao gồm những loại đất được sử dụng vào mục đích cụ thể gì? Không nên đến chương về thu hồi, trưng dụng đất mới đưa ra giải thích đất quốc phòng, đất an ninh là gì.
2.5. Về Điều 68 Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Dự thảo  
Theo Điều 68 Dự thảo, việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện theo các quy định sau đây:
1. Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia
a) Cơ quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật này có trách nhiệm lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và được thực hiện thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia; nội dung lấy ý kiến gồm báo cáo thuyết minh, hệ thống bản đồ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
b) Việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến và hoàn thiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phải công bố, công khai ý kiến đóng góp và việc tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp trên trang thông tin điện tử của Cơ quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
c) Thời gian lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia là 30 ngày kể từ ngày công khai thông tin về nội dung lấy ý kiến.
2. Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh
a) Cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh có trách nhiệm lấy ý kiến các sở, ngành có liên quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và được thực hiện thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; nội dung lấy ý kiến gồm báo cáo thuyết minh, hệ thống bản đồ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
b) Việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến và hoàn thiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phải công bố, công khai ý kiến đóng góp và việc tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp trên trang thông tin điện tử của Cơ quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
c) Thời gian lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là 30 ngày kể từ ngày công khai thông tin về nội dung lấy ý kiến.
3. Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện
a) Cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện lấy ý kiến các phòng, ban, ngành có liên quan, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và được thực hiện thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, điểm dân cư, niêm yết, trưng bày tại nơi công cộng, tổ chức hội nghị, hội thảo và phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình, cá nhân đại diện cho các xã, phường, thị trấn; nội dung lấy ý kiến gồm báo cáo thuyết minh, hệ thống bản đồ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
b) Việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến và hoàn thiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phải công bố, công khai ý kiến đóng góp và việc tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp trên trang thông tin điện tử của Cơ quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.
c) Thời gian lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là 30 ngày kể từ ngày công khai thông tin về nội dung lấy ý kiến.
4. Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
5. Chính phủ quy định chi tiết việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là bảo đảm quyền tham gia vào các công việc của Nhà nước của công dân. Nó cũng góp phần vào việc bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch của hoạt động quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.  Với các quy định như trong Dự thảo, tôi nhận thấy các quy định lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã cụ thể hơn quy định của Luật Đất đai hiện hành.  Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra: Ai là người được lấy kiến? Người dân nói chung hay người đại điện cho dân? Ai là người đại diện cho dân? Người dân là người chịu sự tác động trực tiếp của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất? Vai trò của các chuyên gia như thế nào trong quá trình lấy ý kiến nhân dân? Ngoài hai hình thức lấy ý kiến như trong Dự thảo thì còn hình thức nào nữa không? Nếu tổ chức hội nghị thì cách thức chuẩn bị, nêu vấn đề, tổ chức thảo luận, góp ý kiến, tập hợp ý kiến như thế nào để hội nghị có chất lượng, không mang tính thủ tục thuần túy. Rồi có lấy ý kiến bằng cách bỏ phiếu không? Bao nhiêu % người được hỏi tán thành thì cần đưa vào nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến không giải trình thì có phải chịu trách nhiệm gì không?
Theo tôi, không nên giao cho Chính phủ quy định  chi tiết các vấn đề tôi nêu ra để việc lấy ý kiến nhân dân mà nên quy định cụ thể, chi tiết hơn trong Luật.
2.6. Quy định về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định tại Điều 71 Dự thảo:  
1. Rà soát quy hoạch sử dụng đất được thực hiện theo định kỳ 05 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn.
2. Căn cứ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất
a) Có sự điều chỉnh chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội làm thay đổi chỉ tiêu sử dụng đất;
b) Có sự điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của cấp trên trực tiếp làm ảnh hưởng tới quy hoạch sử dụng đất;
c) Có sự điều chỉnh địa giới hành chính của địa phương;
d) Do tác động của thiên tai, chiến tranh làm thay đổi mục đích, cơ cấu, vị trí, diện tích sử dụng đất;
đ) Do biến động bất thường của tình hình kinh tế – xã hội làm hạn chế nguồn lực thực hiện quy hoạch sử dụng đất;
e) Do sự phát triển của khoa học, công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất;
g) Do yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện có thể điều chỉnh về quy mô, địa điểm và số lượng dự án, công trình hoặc nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân nhưng không làm thay đổi về chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất và khu vực sử dụng đất theo chức năng trong quy hoạch sử dụng đất.
4. Việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất được thực hiện khi có sự điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hoặc có sự thay đổi về khả năng thực hiện kế hoạch sử dụng đất.
5. Nội dung điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất là một phần của quy hoạch sử dụng đất đã được quyết định, phê duyệt. Nội dung điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất là một phần của kế hoạch sử dụng đất đã được quyết định, phê duyệt.
6. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp nào thì có thẩm quyền quyết định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp đó.
Trường hợp điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia kỳ đầu nhưng không làm thay đổi chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thì Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
7. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Vừa qua, có tình trạng điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng diễn ra rất phổ biến làm phương hại đến lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia. Bởi vậy, theo tôi, các quy định về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần cụ thể hơn, chặt chẽ hơn để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng trên.
Theo tôi, quy định về rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cần thiết. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn về cơ quan chịu trách nhiệm rà soát; tiêu chí, căn cứ của việc rà soát.
Để hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trở thành phổ biến, từ đó làm mất tính ổn định của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo tôi, cần quy định về các nguyên tắc và việc lấy ý kiến nhân dân về việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có các nguyên tắc thì viêc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng phải có các nguyên tắc. Có thể áp dụng các nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như là các nguyên tắc của việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Lấy ý kiến nhân dân về việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cơ chế ngăn ngừa nhóm lợi ích tác động vào việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vì lợi ích riêng, trục lợi của mình.
2.7. Về xác định vị trí của quy hoạch sử dụng đất trong hệ thống quy hoạch ở nước ta
Ngoài những vấn đề cụ thể đã nêu ở trên, tôi thấy còn một vấn đề nữa là: Quy hoạch sử dụng đất có vị trí như thế nào trong hệ thống quy hoạch ở nước ta.
Hiện nay ở Việt Nam theo các văn bản pháp luật khác nhau đang có các loại quy hoạch như:
– Quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội;
– Quy hoạch vùng;
– Quy hoạch sử dụng đất;
– Quy hoạch xây dựng
Cần xác định vị trí của quy hoạch sử dụng đất để tránh tình trạng mâu thuẫn, chống chéo trong các quy định pháp luật.
BST dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát các quy định về quy hoạch có trong tất cả các văn bản pháp luật. Từ đó phát hiện ra các mâu thuẫn, chống chéo để có phương án giải quyết một cách phù hợp.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan