Ngày 18/3/2023, Ban lãnh đạo Viện tham gia chủ trì Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Thành phố Hồ Chí Minh do Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn tổ chức. Tại Hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn nói về những bất cập của Luật Đất đai năm 2013 và đề xuất nhiều nội dung quan trọng.
Đề cao tính công khai, minh bạch
GS, TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ bảo đảm hơn nữa tính chất công khai, minh bạch, khắc phục sự bất hợp lý ở nhiều lĩnh vực, trong đó có thu hồi đất. Đây là dịp rà soát tổng thể và hoàn thiện hơn nữa pháp luật về đất đai nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, đưa vào Luật Đất đai hiện hành những quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau.
Theo GS, TS Phan Trung Lý, một trong những nội dung được nhân dân đặc biệt quan tâm trong dự thảo là chế độ thu hồi đất. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại nhiều nơi vẫn còn một số vướng mắc tồn tại. Các quy định về đất đai nói chung và thu hồi đất nói riêng hiện nay còn tản mạn, thiếu tập trung ở nhiều luật và văn bản dưới luật. Hệ thống quy định của pháp luật về đất đai, nhất là thu hồi đất chưa đầy đủ, còn mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ.
Các quy định của pháp luật cũng chưa đủ cụ thể, hiệu quả và khả thi hơn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, tạo sự hài hòa về lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Do vậy cần sớm khắc phục hạn chế này, tập trung hoàn thiện quy định về cơ chế, trình tự, thủ tục thu hồi đất… Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần quy định quyền hạn, nghĩa vụ của chủ sở hữu đất đai, làm rõ quan hệ giữa chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu đất đai.
Cần đáp ứng các yêu cầu của xã hội về minh bạch trong quản lý và sử dụng đất đai để đúng với tinh thần sở hữu toàn dân về đất đai.
Còn theo Phó Viện trưởng Nghiên cứu pháp luật và xã hội Nguyễn Đình Phúc, những quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai tại Điều 19 của dự thảo cần được xem xét thêm vì chưa thỏa đáng, chưa đáp ứng các yêu cầu của xã hội về minh bạch trong quản lý và sử dụng đất đai. Ông Phúc cho rằng, các yếu tố công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai là cần thiết và phải được nhấn mạnh hàng đầu trong dự thảo. “Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai, do đó, các quy định hành chính, văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền liên quan đến các dự án có sử dụng đất, quyết định trúng đấu thầu, đấu giá, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, phê duyệt tài chính về đất đai phải được công khai rộng rãi”, ông Phúc phân tích.
Coi trọng lợi ích chung
Tâm đắc với quy định tại điểm c, khoản 2, điều 63 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến việc khoanh định, bố trí không gian sử dụng đất theo các khu vực, PGS, TS Phạm Hữu Nghị, Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội cho rằng, làm quy hoạch sử dụng đất thì không thể vì lợi ích của một nhóm người nào đó. Do vậy, việc bố trí không gian sử dụng đất theo các khu vực gồm: khu vực sử dụng đất cần bảo vệ nghiêm ngặt việc chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất là vô cùng cần thiết.
Theo PGS, TS Nguyễn Văn Trình, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 đã đề ra nhiều định hướng quan trọng trong việc ban hành dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định thu thuế cao hơn với người có nhiều đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang; thương mại hóa quyền sử dụng đất gắn liền với cơ chế minh bạch trong xác định nghĩa vụ thuế…
Chuyên gia cao cấp Nguyễn Văn Trình cho rằng, vấn đề cơ bản của nông nghiệp cần tập trung trong giai đoạn hiện nay là có những giải pháp hữu hiệu trong việc giải quyết mối quan hệ ruộng đất trong nông nghiệp, nông thôn vì nội dung này trong Luật Đất đai năm 2013 còn nhiều bất cập. Do vậy, cần nghiêm túc điều chỉnh quy định thời hạn và hạn mức sử dụng đất nông nghiệp. “Ở đây, Luật Đất đai nên cho phép người sử dụng đất nông nghiệp được nhận quyền sử dụng đất với “thời hạn lâu dài” để an tâm đầu tư nâng cao chất lượng đất. Nếu quy định quyền sử dụng đất có thời hạn vài chục năm, người sử dụng đất sẽ tìm cách “khai thác triệt để” ruộng đất trong thời hạn được giao quyền sử dụng khiến đất ngày càng suy kiệt, năng suất sụt giảm dù có ứng dụng công nghệ cao. Số diện tích ruộng đất giao cho các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp theo khả năng tổ chức sản xuất, kinh doanh của các chủ thể kinh tế cũng nên được mở rộng”, ông Trình lý giải.
Cũng theo chuyên gia này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên thừa nhận việc di chuyển “quyền sử dụng ruộng đất” trong nông nghiệp, nông thôn theo cơ chế thị trường để hình thành nên thị trường “quyền sử dụng ruộng đất nông nghiệp”. Cần cho chính sách thông thoáng hơn trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của các chủ thể, tạo điều kiện cho chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề trong nông nghiệp, nông thôn.